Với tinh thần “Hộ quốc an dân” cùng sứ mệnh “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, 137 chiến sĩ khoác màu áo đạo đã chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng trong Trận Giồng Bốm năm 1946. Đây cũng là một trong những trận đánh lớn ở miền Tây Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Với ý nghĩa đặc biệt đó, nơi ghi dấu mốc son lịch sử chói lọi trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của hàng ngàn tín đồ Cao đài Minh Chơn đạo nói riêng, của người dân Bạc Liêu nói chung - Di tích lịch sử Trận Giồng Bốm đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 3/12/2021.
Chiến đấu ngoan cường, lấy đạo độ đời
Tòa Thánh thất Ngọc Minh ở Giồng Bốm thuộc ấp 7, xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai (cũ) do ông Cao Triều Phát (Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bạc Liêu, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa I, Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên đài - Hội thánh Minh Chơn đạo, Tổng Trưởng Thanh niên Đoàn đạo đức Hậu Giang) sáng lập năm 1945 là nơi tập hợp tham gia sinh hoạt của hơn 2.000 quần chúng, tín đồ Cao đài Minh Chơn đạo.
Hưởng ứng phong trào Nam Bộ kháng chiến, cuộc “Kháng đại hội nghị” do ông Cao Triều Phát chủ trì đã thống nhất chọn Tòa thánh Ngọc Minh làm bản doanh tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với tôn chỉ “Hành đạo là kháng chiến, kháng chiến là hành đạo”, “Cứu nước là cứu đạo”, “Bàn thờ tôn giáo thì nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”…, trong các bài thuyết giáo, ông Cao Triều Phát khuyên tín đồ: “Kháng chiến cứu quốc là nhiệm vụ hành đạo hàng đầu, là công quả cao nhất của mọi người cũng như của Hội thánh Cao đài Minh Chơn đạo”.
Từ ngày 6 - 15/4/1946, nhiều trận chiến ác liệt diễn ra giữa những chiến sĩ theo đạo và lực lượng địch. Mặc dù với tinh thần quả cảm nhưng do không tương đồng về lực lượng, cuộc chiến thất bại khá nặng nề. Trận Giồng Bốm ngày 15/4 kết thúc, quân ta đã tiêu diệt 100 tên địch, nhưng 137 chiến sĩ phải tử trận, Tòa thánh Ngọc Minh bị phá hủy, Chỉ huy trưởng Cao Triều Phát phải ra lệnh rút quân để bảo tồn lực lượng còn lại.
Tuy thất bại, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của các tín đồ, chức sắc, chức việc của Cao đài Minh Chơn đạo trong Trận Giồng Bốm đã giáng đòn mạnh mẽ vào tinh thần hiếu chiến và kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm chậm bước tiến tái xâm lược của chúng. Qua đó đã khơi dậy, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Nhân dân Bạc Liêu nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung đứng lên chống quân xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng.
Phát huy giá trị địa chỉ đỏ
Trận Giồng Bốm lúc đó đã gây xúc động mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các chi phái Cao đài và các tôn giáo bạn, nung nấu thêm tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc. Tháng 4/2011, nhân kỷ niệm 65 năm diễn ra sự kiện, Trận Giồng Bốm đã đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Một hội thảo khoa học sau đó mang tên “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Trận Giồng Bốm năm 1946” cũng đã được Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức với nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học để bàn giải pháp hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di tích.
Di tích Trận Giồng Bốm hiện đã được trùng tu, xây dựng nhiều hạng mục khá khang trang như: Thánh thất Ngọc Minh, Đài trung liệt thánh, Phủ thờ Cao Triều Phát, Văn phòng Ban đại diện Cao đài Minh Chơn đạo tỉnh Bạc Liêu, Thiên phong đường... Ngày 14/3 âm lịch hàng năm, Hội thánh Minh Chơn đạo và Ban Trị sự Thánh thất Ngọc Minh cùng những gia đình có người thân tử trận trong Trận Giồng Bốm năm 1946 lại long trọng tổ chức lễ giỗ chung nhằm tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh
Để tiếp tục phát huy giá trị lịch sử “địa chỉ đỏ” này, ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, từng bước hoàn thiện hạ tầng các dịch vụ du lịch (DL), lưu trú... để hướng đến mục tiêu phát triển DL cho địa phương. Ngành Văn hóa đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật xây dựng chương trình sân khấu hóa nhằm tái hiện lại sự kiện lịch sử Trận Giồng Bốm, phục vụ người dân trong tỉnh và du khách, giúp cho người xem hiểu được quy mô, ý nghĩa của sự kiện lịch sử; và tiếp tục phối hợp với UBND TX. Giá Rai xây dựng di tích trở thành sản phẩm DL của tỉnh, kết nối các đơn vị lữ hành thiết kế tua liên hoàn giữa các thắng cảnh, di tích khác với khu di tích này tạo thành tuyến DL hấp dẫn. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên và ngành Giáo dục cần tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, làm cho thế hệ trẻ hiểu, tự hào và có hành động thiết thực phát huy...
Trận Giồng Bốm năm 1946 có giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, là sự thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết trên dưới một lòng của tín đồ Cao đài Minh Chơn đạo đi theo lời hiệu triệu “Hộ quốc an dân”, “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”. Việc Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích cấp quốc gia có ý nghĩa đặc biệt ghi nhận một mốc son trong lịch sử đấu tranh của quân dân Bạc Liêu, đồng thời còn làm lan tỏa tầm ảnh hưởng của Di tích Trận Giồng Bốm, thu hút các nhà nghiên cứu, khách tham quan từ nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan, tìm hiểu.
Nguồn : https://www.baobaclieu.vn