Từ chân cầu Kim Sơn về hướng biển, rẽ về phía Đông Nam khoảng 1km đường bộ, du khách có thể tìm thấy di tích văn hóa đình An Trạch (phường 5, TP. Bạc Liêu). Nằm nép mình bên bờ sông Bạc Liêu hiền hòa và xen lẫn những ngôi nhà của người dân, ngôi đình vẫn giữ nguyên nét hoang sơ từ khi mới được xây dựng.
Tuy dáng vẻ bên ngoài không bắt mắt, nhưng khi bước vào bên trong, nét đẹp và giá trị về văn hóa sẽ gây được ấn tượng mạnh cho du khách. Sắc đỏ là màu chủ đạo trong đình. Từ những thân cột được chạm khắc nổi hình rồng, bàn thờ ở ngôi đình chính được trang trí nghiêm trang vị danh sĩ Nguyễn Công Trứ - người có công khai hoang phục hóa, mở mang bờ cõi. Người dân nơi đây một lòng thờ cúng ông, cho nên hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng 11 âm lịch đều tổ chức lễ giỗ. Và trong các dịp lễ như: Kỳ yên, Vu lan đều có văn tế Nguyễn Công Trứ, cầu cho mưa thuận gió hòa, an khang thịnh vượng... Sự tôn kính ấy đã đi vào cõi tâm linh của người dân địa phương một cách tự nhiên qua bao đời nay.
Đình còn là nơi để ghi nhớ công ơn những bậc tiền nhân tài giỏi, có nhiều công trạng, được nhân dân trong vùng tôn kính, như: Bổn Cảnh Thành Hoàng, Thần Tài, Thần Hổ... Trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi vùng đất, những chứng tích mà đình, miếu ghi lại đã tạo nên quần thể văn hóa đặc sắc, thể hiện sự đa dạng về tín ngưỡng cộng đồng nhân dân đất Việt, nêu cao các giá trị tinh thần, tín ngưỡng tâm linh, được xã hội đương đại ghi nhận qua việc công nhận các di tích văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh... Tại Bạc Liêu cũng có một ngôi đình được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia: Đình An Trạch.
Đình An Trạch tọa lạc tại ấp An Trạch, xã Vĩnh Lợi, tổng Thanh Hòa (nay thuộc khóm 2, phường 5, thị xã Bạc Liêu - tỉnh Bạc Liêu). Đình được Tri huyện Phạm Thành Mậu khởi công xây dựng vào ngày 6.4.1877 (năm Đinh Sửu) trên phần đất rộng 4.000m2 và đích thân làm Chánh bái; Tri huyện Hồ Vạn Thành làm Bồi bái. Do điều kiện xây dựng thời bấy giờ còn nhiều hạn chế, nên đình An Trạch đơn giản trông giống như một mái nhà ba gian, vật liệu được dùng cũng rất thô sơ.
Sau này, qua nhiều giai đoạn, đình được xây dựng rộng hơn, kiên cố và bề thế hơn với kiến trúc đa phương, nhiều hướng theo kiến trúc đình Huế. Các công trình kiến trúc của đình gồm: Ngôi đình chính, sân đình trước, sân đình sau, nhà hậu đình, bốn góc có miếu nhỏ, hai dãy nhà Đông Lang và Tây Lang. Ngôi đình chính có nền cao 0,75m, 4 hiên, 8 mái, đỉnh nóc có “Tứ long tranh châu”. Hiên đình có 4 mái: trước, sau, Đông Lang và Tây Lang đều lợp ngói hình ống. Đầu mái chảy gắn gạch men màu xanh có hoa văn và hình răng cưa. Mỗi mái hiên có 4 cột vuông chịu lực, được xây dựng bằng gạch thẻ và có đắp chỉ gờ theo hình bát đấu. Bốn cột hiên phía trước, đầu cột đắp hoa văn hình lá cúc sơn màu xanh nhạt, trên mỗi cột có ghi câu đối. Thời vua Khải Định (1916 - 1925) đình An Trạch được sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng”.
Theo dân gian truyền tụng, khi xưa đình An Trạch thờ danh sĩ Nguyễn Công Trứ, một người làm quan thời vua Tự Đức, có tinh thần yêu nước, thương dân và có công khai hoang phục hóa, mở mang bờ cõi. Hằng năm, cứ vào ngày 14 tháng 11 âm lịch, đình đều tổ chức giỗ Ông. Trong các ngày lễ chính, như: Kỳ Yên, Vu Lan đều có văn tế Nguyễn Công Trứ, cầu nguyện Ông giúp dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, an khang thịnh vượng... Sự tôn kính ấy đã đi vào cõi tâm linh của người dân địa phương như một dòng chảy tự nhiên. Đây còn là một biểu hiện đạo lý tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Trong những năm kháng Pháp, đuổi Mỹ, đình là nơi tổ chức các buổi hội, họp của cách mạng, nuôi chứa những người cộng sản... Ghi nhận giá trị văn hóa, lịch sử, năm 2000, đình An Trạch được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, UBND tỉnh Bạc Liêu đang có dự án kiến trúc, trùng tu lại đình khang trang hơn, vững chắc hơn, nhằm nâng cao vai trò và ý nghĩa của đình trong đời sống tinh thần nhân dân không chỉ trong tỉnh.
Nguồn : https://www.baobaclieu.vn