Chùa Vĩnh Đức tọa lạc tại số 132 đường Cách Mạng, khóm 7, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với tổng diện tích là 2.232,01m2. Chùa được xây dựng lần đầu vào năm 1890, quy mô nhỏ bằng cây lá rừng. Đến năm 1915, chùa Vĩnh Đức được xây cất lại khang trang hơn,
Người có công trùng tu lại vào năm 1915 là Ngài Giáo thọ Xuân Phong lúc bấy giờ giữ chức Hương Văn đình Tân Hưng làng Vĩnh Lợi. Sư cụ Xuân Phong nói được tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Khmer, ông thường làm thông ngôn cho các đình chùa khi có việc với chính quyền Pháp cai trị ở Bạc Liêu lúc bấy giờ, do đó Sư cụ Xuân Phong có uy tín và được chức sắc các đình chùa ở Bạc Liêu tin cậy, thương mến. Vì vậy mà mọi người gọi thành danh là Ông Ký và chùa Vĩnh Đức đến hôm nay vẫn còn có tên là chùa Ông Ký. Ngài Giáo Thọ Xuân Phong là người say mê nhạc lễ, đờn ca và rất ái mộ Sư Nguyệt Chiếu. Năm 1930 Ngài Xuân Phong rước Sư Nguyệt Chiếu về chùa Vĩnh Đức và giao phần chấp sự trong chùa cho Sư Nguyệt Chiếu. Khi nhận lời người ái mộ tài năng, Sư Nguyệt Chiếu về chùa Vĩnh Đức và dừng chân nơi đây cho đến ngày viên tịch 16 tháng 8 năm Đinh Hợi 1947.
Năm 1961, chùa được trùng tu lại và xây dựng mở rộng thêm phần chánh điện, hậu điện, đông – tây lang. Năm 1971, đông lang tiếp tục được trùng tu. Và đến năm 1980, nhà hậu tổ cũng được kiến tạo lại. Khu chánh điện chùa thờ phật Thích Ca.
Theo lời kể của Thượng tọa Thiện Thành (1920 – 2003) một trong những người đệ tử nối nghề nhạc lễ, nghi lễ của sư Nguyệt Chiếu. Thượng tọa Thiện Thành trụ trì chùa Vĩnh Đức từ năm 1947 đến năm 1951, người sáng lập chùa Linh Châu tại khóm 9, Phường 1, TX Bạc Liêu, giữ chức Trưởng Ban Nghi lễ qua nhiều năm trong Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Thượng tọa Thiện Thành kể lại : “…Năm 12 tuổi tôi tu ở chùa Vĩnh Hòa với Hòa thượng Huệ Viên, thấy tôi ham thích nhạc lễ nên Hòa thượng Huệ Viên cho tôi theo thầy Nguyệt Chiếu ở chùa Vĩnh Đức học nhạc lễ và học làm đám. Thầy Nguyệt Chiếu dạy nhiều tốp đệ tử, một số học nhạc, một số học làm đám, có số học đờn ca.
Chùa Vĩnh Đức không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của phật tử trong vùng, mà còn là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng trong giai đoạn 1970 – 1975.
Năm 1967 Hòa thượng Thích Hiển Giác đến trụ trì chùa Vĩnh Đức. Ông người làng Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Vì tham gia hoạt động cách mạng bị lộ, chính quyền Ngô Đình Diệm truy nã, trên đường lánh nạn ông dừng chân ở nhiều ngôi chùa của các tỉnh miền Tây. Khi về chùa Vĩnh Đức, Hòa thượng Hiển Giác nối lại được với tổ chức Mặt trận và ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông bí mật nuôi chứa cán bộ tại chùa Vĩnh Đức và làm chốt liên lạc với các cơ sở nội thành. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975 chùa Vĩnh Đức là trụ sở tạm thời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây tổ chức những cuộc đàm phán với Tỉnh trưởng Bạc Liêu cũ, và Hòa thượng Hiển Giác là thành viên trong đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng Bạc Liêu ngày 30 tháng 4 năm 1975 không đổ máu. Hòa thượng Hiển Giác viên tịch vào ngày 24 tháng giêng năm 1992 và yên nghỉ tại chùa Vĩnh Đức.
Chùa Vĩnh Đức nơi dừng chân sau cùng của những nhà sư yêu nước, nơi đây các vị đã hoạt động để lại sự nghiệp cho đời sau những tài sản quý báu, những hành động yêu nước bằng trí tuệ và từ bi, góp phần làm thay đổi cảnh chết chóc mất mát khổ đau của nhân dân Bạc Liêu trở thành cảnh vui mừng sum họp trong giờ phút chấm dứt chiến tranh.
Ngày 07 tháng 11 năm 2002 chùa Vĩnh Đức đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận bảo vệ là di tích lịch sử văn hóa.
Hàng năm, nơi đây thường diễn ra các ngày lễ lớn như: lễ Thượng ngươn (rằm tháng giêng), giỗ Hòa thượng Thích Thiển Giác (24 tháng giêng âm lịch), lễ Phật đản (rằm tháng 4), lễ Vu lan (17 tháng 5 âm lịch), lễ Hạ ngươn (rằm tháng 10 âm lịch).