Chùa Đìa Chuối có tên gọi chính là: Sê Rây Vong Sa Chêk Meas; Anh Đôn Chek và Đìa Chuối là tên gọi trong dân gian. Bà con người Khmer thường gọi là “Watt Anh Đôn Chêk” có nghĩa là “Chùa Đìa Chuối”.
Chùa tọa lạc tại ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Cách UBND xã Vĩnh Bình khoảng 3km về hướng Đông. Phương tiện đi đến chùa thuận tiện nhất là bằng xe mô tô hoặc tàu, đò.
Chùa Đìa Chuối không chỉ có giá trị về mặt văn hóa tinh thần mà còn có giá trị lịch sử cách mạng. Từ năm 1945 đến năm 1975, các vị Hòa thượng, đại đức trụ trì ở chùa luôn theo Đảng, Bác Hồ, ủng hộ cho cách mạng bằng vật chất và tinh thần. Tiêu biểu là Hòa thượng Tăng Neang (trụ trì từ 1916-1976) là một vị tu sĩ trí thức tiến bộ. Ngày đã tuyên truyền, giáo dục, vận động nhiều sư sãi và đồng bào Khmer trong vùng theo cách mạng.
Từ năm 1969-1975, Hòa thượng va sư sãi chùa Đìa Chuối bất chấp sự đàn áp của địch không ngừng nâng cao sức đấu tranh mãnh liệt. Đầu năm 1970 Hòa thượng và các sư sãi trong chùa như: sư Ty – đảng viên, sư Kiêm, sư Dươi và nhiều vị sư khác xuống đường cùng các vị sư sãi Phật giáo đấu tranh giáp mặt với tỉnh trưởng bạc Liêu đòi chúng giải quyết các yêu sách: chống bắn pháo giết hại dân lành, chống hành quân giết người cướp của, chống bắt thanh niên đi quân dịch, đòi dân sinh, dân chủ cho nhân dân. Sức mạnh của sư sãi yêu nước và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đã buộc giặc Mỹ và ngụy quân không dám vào chùa lục soát như tước nữa.
Từ giữa năm 1970 đến 1975, chùa Đìa Chuối nuôi dấu đùm bọc hàng trăm thanh niên trốn quân dịch và hàng chục cán bộ các cấp như: ông Huỳnh Cương-Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu tây Nam Bộ; ông Ma Ha Sơn Thông-Khu ủy viên, Trưởng ban Khmer vận khu Tây Nam Bộ; ông Trịnh Thới Cang-Thường trực ban Khmer vận khu 9; ông Nguyễn Thuận Triều-Chủ tịch Ủy ban quân quản Bạc Liêu; ông Cao Anh Lộc, Bác sĩ Mưới Lớn, bác sĩ Hai Bách, bác sĩ Sáu Lượng, y sĩ Chín Mé, bác sĩ Út Hiền.
Trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đồng bào và sư sãi chùa Đìa Chuối dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ đã đóng góp cho cách mạng cả người và của cho tiền tuyến, là cơ sở cách mạng vững chắc gốp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Với truyền thống đoàn kết đấu tranh, các vị sư sãi và đồng bào Phật tử chùa Đìa Chuối sau khi được độc lập thống nhất nước nhà, luôn thực hiện tốt nhửng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.