Xiêm Cán là một ngôi chùa nguy nga, tráng lệ, mang phong cách đặc trưng của văn hóa Khmer ở Bạc Liêu. Nằm trên địa bàn ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán không chỉ là một công trình tín ngưỡng, tâm linh điển hình của người Khmer Nam Bộ, mà còn là điểm tham quan hấp dẫn ở Bạc Liêu.
Giá trị di tích
Chùa Xiêm Cán được khởi dựng năm 1887, trên diện tích rộng gần 50.000m2. Ban đầu, chùa có quy mô nhỏ và nằm sát biển (cách bờ biển 500 m), chùa được đặt tên theo tiếng Khmer là Komphir Sakor Prêchru, thể hiện sự uyên bác và sâu xa của trí tuệ phật pháp.
Về sau, một bộ phận người gốc Hoa đến đây định cư đã dịch tên chùa thành Xiêm Cán. Trong tiếng Hoa, Xiêm Cán có nghĩa là “giáp nước” dùng để chỉ ngôi chùa nằm cạnh bờ biển. Từ ấy đến nay, chùa được gọi tên là Xiêm Cán.
Chùa Xiêm Cán gây ấn tượng mạnh mẽ cả về quy mô lẫn nghệ thuật kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa – tín ngưỡng của người Khmer. Chùa Xiêm Cán là biểu trưng cho kiến trúc Angkor Khmer truyền thống, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột, cầu thang, các mảng phù điêu, màu sắc, hoa văn, đường nét chạm trổ uốn lượn đặc trưng của văn hóa dân tộc Khmer.
Chùa bao gồm các công trình: Cổng tam quan, chính điện, sala (giảng đường, tăng xá), khu mộ tháp, cột trụ biểu... Các công trình này đều có gam màu vàng chủ đạo kết hợp cùng hệ thống hoa văn nhiều màu sắc làm nổi bật phong cách kiến trúc Khmer truyền thống và đều xoay về hướng Đông, với quan niệm rằng đường tu thành chánh quả của Đức Phật bắt đầu từ Tây sang Đông.
Người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa (Nam tông), thờ Phật Thích Ca. Hiện chùa có đến 115 pho tượng các loại làm bằng xi măng, đất, một bia đá và một quả chuông có từ năm 1887. Ngoài ra, tại chùa Xiêm Cán hiện còn lưu giữ bộ sách cổ được viết trên lá cây dày 70 trang cùng nhiều sách quý khác.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chùa Xiêm Cán là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Chùa còn là nơi phát động bổn đạo phật tử cùng sát cánh với nhân dân trong tỉnh tham gia hoạt động cách mạng. Đặc biệt vào năm 1966, thực hiện chủ trương của Đảng về việc biểu tình chống bầu cử, các nhà sư và bà con phật tử của chùa đã đồng loạt đi biểu tình chống bầu cử, chống bắt lính,…
Với những giá trị lịch sử, văn hóa – tín ngưỡng, đặc biệt là kiến trúc đặc trưng, năm 2001, chùa Xiêm Cán được tỉnh Bạc Liêu công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Ngoài ra, năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký Quyết định số 247/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch đối với di tích lịch sử văn hóa chùa Xiêm Cán.
Kiến trúc nghệ thuật
Đến thăm chùa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách đều cảm nhận được bầu không khí trong lành, yên bình. Nơi đây có những hàng cây cao xanh mát, đan xen những tòa tháp nhọn vươn thẳng lên trời. Tất cả hài hòa một cách nhẹ nhàng, tạo nên bức tranh tĩnh tại chốn tu hành, thiền tịnh của người Khmer.
Bao quanh chùa là hàng rào xây kiên cố, với nhiều hoa văn, phù điêu đắp nổi bánh xe luân hồi. Hai bên tường rào trước cổng tam quan được điêu khắc hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa và thiếu nữ múa rất ấn tượng.
Cổng tam quan là một công trình kiến trúc bề thế gồm nhiều phù điêu đắp nổi hoa văn tỉ mỉ hình khối mang ý nghĩa biểu trưng của con số 03 như: Phật – Pháp – Tăng; quá khứ – hiện tại – tương lai... Các mảng phù điêu trang trí được thể hiện theo dạng dưới là 1 hoa sen, trên là 2 cánh lớn, giữa 2 cành lá có 3 bộ kinh Tam Tạng, phía trên có thêm bánh xe luân hồi. Bảng tên cổng thiết kế kiểu tháp nhọn đặc trưng của kiến trúc Angkor, có hình ảnh Đức Phật ngồi giữa uy nghiêm. Bên dưới bảng tên cổng là hai chim thần Krut và hai con rắn năm đầu uốn lượn.
Bước qua cổng tam quan của chùa là con đường rợp bóng cây cổ thụ xanh mát, hai bên khoảng đất trống của lối đi vào có khoảng vài chục cột trụ tròn, trên cột ghi tên những phật tử có đóng góp xây dựng chùa. Vào bên trong sân chùa là bức tượng Phật trong tư thế nằm (nhập niết bàn) có phần mái che để khách thập phương dâng hương, cầu nguyện trước khi vào chánh điện.
Nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc chùa Xiêm Cán là chánh điện nguy nga, đồ sộ, tọa lạc trên nền gạch cao 1,5 m với ba bậc cấp cùng một hành lang bao quanh. Chính điện không có cửa ở giữa mà trổ cửa ở 2 bên để tránh việc ánh nắng sẽ chiếu thẳng vào bàn thờ Phật phía trong.
Ban thờ Phật tại chánh điện có 3 tầng, phía trên là bệ tượng cao gần 2 mét và được chia thành 7 bậc, trung tâm là một tượng Phật Thích Ca to lớn, bên dưới tượng Phật lớn là nhiều tượng Phật Thích Ca nhỏ với nhiều kích cỡ, tư thế khác nhau diễn tả các thời kỳ hóa thân của Đức Phật. Trên vách, trần, cột là những bức phù điêu, bích họa được chạm khắc, tô vẽ cầu kỳ với nhiều sắc màu tráng lệ. Nổi bật là các bích họa cỡ lớn kể về cuộc đời Đức Phật từ lúc mới sinh ra, cho đến quá trình tu hành đạt thành chánh quả.
Bên trong chánh điện có 100 cây cột tròn chống mái, trên mỗi đỉnh cột đều có một chiếc đầu rắn của thần Naga đang ngóc lên. Hình ảnh thần Naga xuất hiện trong chánh điện là điều hiếm thấy. Tương truyền đây vốn là một loài rắn hung tợn đã được Đức Phật cảm hóa và hình ảnh rắn thần Naga xuất hiện trong chính điện với ý nghĩa loài linh vật này sẽ chống đỡ và bảo vệ nơi đây.
Hệ thống mái bên ngoài chính điện gồm nhiều tầng chồng lên nhau, được thiết kế hài hòa cùng các chóp nhọn theo phong cách kiến trúc đặc trưng của đền tháp Angkor. Nếu quan sát kỹ, du khách sẽ phải ngạc nhiên bởi mỗi mảng chạm trên mái, cột giống như những tác phẩm nghệ thuật, được trang trí với hình tượng rồng Khmer, rắn thần Nagar, chim thần Krud... vô cùng sinh động.
Phía bên ngoài, đối diện chánh điện là cột trụ biểu chùa Xiêm Cán, với hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ. Ở đây muốn ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn được thuần hóa nhờ tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật.
Tiếp đến là quần thể tháp – tượng, gồm 3 tháp chính cùng các pho tượng Phật ở các tư thế tọa thiền khác nhau. Một số tượng được dựng theo những điển tích của nhà Phật. Đây là không gian kết nối chánh điện, khu mộ tháp và khu sala... Trong đó, Sala là khu nhà truyền thống, được xây dựng vô cùng kiên cố và bằng gỗ hoàn toàn. Sala là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer, dùng để chuẩn bị trước khi lên chánh điện hành lễ. Sala cũng có các họa tiết trang trí phong phú, các bích họa trên vách và trên trần. Ở hành lang còn có chiếc chuông lớn với màu đen bóng. Đặc biệt hơn phía trên sala ở chùa Xiêm Cán có những bức tượng thái tử Sidatta cưỡi trên lưng bạch mã được Xanac đưa qua sông đi tìm đường giác ngộ.
Đối diện sala là 2 tòa tháp Phật kích thước khác nhau, bên trong có các bức tượng Phật đen huyền vô cùng độc đáo. Cạnh đó còn có tháp xá lợi được chia làm 2 tầng; bên dưới bốn hướng xung quanh là tượng voi trắng nổi bật; bên trên xếp tầng với những bức tượng sư tử, rắn thần cùng đỉnh tháp nhọn cao vút.
Lễ hội văn hóa
Không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng với phong cách nghệ thuật lẫn kiến trúc độc đáo, chùa Xiêm Cán còn được biết đến là nơi lưu giữ và hình thành nên nhiều nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc người Khmer.
Với bà con Khmer, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn bản sắc dân tộc, thờ phụng hài cốt ông bà quá cố… Do đó mà họ sẵn sàng đem hết công sức, của cải để xây dựng, tu bổ chùa. Đây cũng chính là lý do vì sao mà ngôi chùa ngày càng lộng lẫy, hoàn hảo.
Chùa Xiêm Cán là nơi đồng bào Khmer thường tập trung để học chữ, học múa hát, học nghề. Người dân Khmer mỗi tháng đến chùa bốn lần để lễ Phật, tụng kinh, tu dưỡng đạo đức để mong được hưởng quả phúc.
Nơi đây, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội của người Khmer, thu hút rất đông đồng bào dân tộc Khmer về dự. Các ngày lễ hội lớn trong năm được diễn ra tại chùa như:
- Chôl chnăm thmây (lễ vào năm mới) diễn ra 3 ngày (khoảng ngày 14, 15, 16 tháng 04 dương lịch).
- Lễ Sen Đôlta (lễ cúng ông bà) diễn ra một trong 03 ngày 8, 9, 10 tháng 10 dương lịch.
- Kathanhna - tiên (lễ dâng y cà sa) diễn ra một trong những ngày từ 16/9 - 15/10 âm lịch. Ngoài ra, tại chùa còn diễn ra các lễ hội tôn giáo mang nét đặc trưng của phật giáo Nam tông.
Ghé thăm Bạc Liêu vào những dịp lễ hội lớn như Ok Om bok, Tết Chôl chnăm thmây, lễ Sen Đôlta, du khách sẽ thấy chùa Xiêm Cán được trang hoàng lộng lẫy. Không khí trong chùa những ngày này rộn ràng với ca hát, vũ hội… Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn những công trình kiến trúc tráng lệ, mà còn hiểu hơn về văn hóa tín ngưỡng, đời sống của dân tộc Khmer vùng đồng bằng Nam Bộ.